Theo một tờ báo của Nga, trong số các
“con hổ châu Á”, Việt Nam đang thu hút được sự chú ý như một điển hình
tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế khi giữ được tăng trưởng
ổn định trong suốt thời kỳ khủng hoảng.
Cuối tuần trước, Việt Nam vừa phát hành thành công một tỷ USD trái
phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế với mức lãi suất thấp hơn dự kiến.
Hơn 400 nhà đầu tư đã đăng ký mua với tổng trị giá gấp hơn 10 lần so
với lượng chào bán. Theo Finance Asia, đợt bán trái phiếu của Việt Nam được đánh giá là một trong những đợt đấu giá thành công nhất thị trường nợ châu Á.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, với tình hình kinh tế trong nước ổn
định nên trước đó Chính phủ đã rất kỳ vọng vào đợt phát hành. Thêm vào
đó, việc được nhiều tổ chức quốc tế nâng hạn mức tín nhiệm và những đánh
giá tích cực của các nhà đầu tư trong phiên chào bán diễn ra cuối tháng
10 thì kết quả trên cũng không nằm ngoài dự đoán.
Rajeev De Mello tại hãng quản lý tài sản Schroder (Singapore) cũng nhận
định: "Kinh tế vĩ mô thì đang ổn định. Tất cả đều là yếu tố có lợi cho
đợt phát hành của Việt Nam".
|
Nhiều tờ báo nước ngoài gần đây có nhiều nhận định tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Ảnh: Anh Quân
|
Trước đó, Fitch đã nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1).
Đồng thời, một loạt bài viết của báo chí nước ngoài như Đức, Italia,
Nga, Ba Lan... được đăng tải thời gian gần đây đều có những nhận định
tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam.
Một bài báo với tiêu đề "Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế cho năm 2015"
được đăng tải đầu tháng 11 trên Sudestasiatico (Đông Nam Á), mạng tin
độc lập của Italia đã nhận định tuy gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế vẫn
tăng trưởng tốt. Bài viết trích dẫn số liệu về mức độ tăng trưởng của
Việt Nam, thặng dư thương mại, thu nhập bình quân đầu người... 13 trong
số 15 mục tiêu Chính phủ đề ra hồi đầu năm đã hoàn thành và cho rằng đó
là những dấu hiệu rất tích cực.
Bên cạnh dẫn chứng về những chỉ số vĩ mô khả quan, báo chí nước ngoài
đều nhận định thị trường chứng khoán của Việt Nam có mức tăng trưởng
mạnh nhất trên thế giới thời gian qua. Giao dịch bất động sản cũng tăng
gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái...
Với tựa đề “Việt Nam bảo vệ nền kinh tế khỏi khủng hoảng như thế nào?”,
chuyên gia Pavel Vinogradov, Tổng biên tập tạp chí Thế giới đa cực
(Nga) cho rằng, trong số các “con hổ châu Á” cả cũ lẫn mới, Việt
Nam đang thu hút được sự chú ý như một điển hình tham gia vào quá trình
hội nhập kinh tế quốc tế khi giữ được tăng trưởng ổn định trong suốt
thời kỳ khủng hoảng. Đặc biệt, trong bối cảnh năm 2014, mức độ tăng
trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia... không giữ được mức tăng trưởng cao như cách đây 5-6 năm
Ông cũng cho rằng, cách đây ít lâu, Việt Nam là một đất nước còn
phải đối mặt với nạn đói thì hiện nay không những đã giải quyết xong vấn
đề lương thực, mà còn bước lên vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo
với 65 triệu tấn một năm. Trong khi đó, thu nhập tính theo đầu người từ
mức 128 USD một người năm 1995 đã tăng lên 1.200 USD vào năm 2014.
"Lạm phát trong 5 năm liên tiếp được khống chế dưới 4%, mức thấp nhất
khu vực châu Á-Thái Bình Dương", chuyên gia này nhận định.
Nhờ chính sách kinh tế linh
hoạt cũng như ổn định chính trị, Việt Nam là một trong những nước dẫn
đầu về mức độ hấp dẫn đầu tư trong khối ASEAN. Trên tạp
chí uy tín "Tổng quan Đông phương mới", Giáo sư Dmitri Mosyakov - lãnh
đạo Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại dương thuộc
Viện Đông phương - Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, tình hình kinh
tế Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đó là lý do Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước hấp dẫn nhất trong khối ASEAN.
Tờ The Diplomatic Society - một ấn phẩm điện tử uy tín trong
cộng đồng ngoại giao tại Nam Phi cũng có bài phân tích chỉ ra câu chuyện
thành công của Việt Nam trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, tác giả bài viết nhấn mạnh các yếu tố duy trì ổn định kinh tế
xã hội, cơ cấu dân số vàng, và những ưu đãi đầu tư của Chính phủ... là
những nhân tố làm nên thành công đó.
Các tờ báo nước ngoài cũng nêu rõ để thúc đẩy phát triển kinh tế, thu
hút thêm đầu tư nước ngoài, cũng như giảm phụ thuộc vào các đối tác
truyền thống nhưng rủi ro, Việt Nam đã thúc đẩy quá trình hội nhập kinh
tế quốc tế, trở thành thành viên của nhiều tổ chức kinh tế trên thế
giới. Cụ thể, như việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) từ năm
2007, là thành viên của các tổ chức, thể chế kinh tế quốc tế như
Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Khu vực Mậu dịch Tự
do ASEAN (AFTA)...
Ngoài ra, Việt Nam cũng đang ưu tiên tập trung nỗ lực cả về kinh
tế và ngoại giao để hoàn thành trong vài tháng tới việc đàm phán Hiệp
định Thương mại tự do với EU (EVFTA) và nỗ lực gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Báo chí quốc tế đánh giá cao những nỗ lực rất cụ thể gần đây của
Việt Nam trong việc tìm những thị trường mới. "Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
có hướng đi mới về phương Tây để tìm thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư
trực tiếp, công nghệ cho sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có
vậy, quốc gia này còn tạo quan hệ kinh tế với Ấn Độ, nền kinh tế lớn ở
khu vực châu Á", một bài viết đăng tải trên tờ Le Monde của Pháp cuối tháng 10 nhận định.
Bên cạnh đó, giống như các nền kinh tế đang phát triển khác trong khu vực châu Á, các bài báo cũng chỉ ra những hạn chế, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. Cụ thể như các vấn đề về tình
trạng nguy hiểm do nền kinh tế quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp tuyên bố phá sản cao, nợ xấu cao,
tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước còn chậm...
Tuy nhiên, trong các bài viết đã đăng tải, báo chí quốc tế đều
đưa ra những nhận định sáng sủa về kinh tế Việt Nam thời gian tới, đặc
biệt là trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Về tham vọng của Chính
phủ là tạo ra một "Thung lũng Silicon" mới ở châu Á và đến năm 2020 sẽ
có 45% GDP thu được từ lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, tờ Rzecpospolita (Ba
Lan) nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể làm được nhờ tiềm năng về vị
trí chính trị, nhân lực trẻ và rẻ... Lĩnh vực công nghệ thông tin của
Việt Nam hiện có tốc độ phát triển 16% một năm, đứng thứ 5 trên thế
giới.
"Nhiều nhà khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ cao đã và đang tích
cực đến Việt Nam sản xuất vì nhân công rẻ và môi trường chính trị ổn
định", Tổng biên tập tờ Thế giới đa cực của Nga nhận định.
Nguồn:
vnexpress.net