Top 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam: Xu hướng và bài học
 

Trái với những lo ngại ban đầu, Nhà nước thật sự đã được hưởng lợi không ít nhờ vào thành công của các công ty sau cổ phần hóa

Bảng xếp hạng “50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam” (Top 50) năm 2015 do tạp chí NCĐT phối hợp cùng Công ty Chứng Khoán Thiên Việt thực hiện lần thứ 4 đã chứng kiến một thay đổi ngoạn mục ở vị trí quán quân. Đó là sự xuất hiện của Thế giới Di động (MWG), một công ty tư nhân vừa niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã ngay lập tức phá vỡ vị thế thống trị của các doanh nghiệp gốc nhà nước nhiều năm qua. Điều này thật sự gây bất ngờ, nhưng nếu nhìn vào những nỗ lực mà doanh nghiệp này đạt được, Thế giới Di động quả thật rất đáng được thán phục. Xuất phát từ vài cửa hàng bán điện thoại di động vào 2004, doanh thu thuần năm 2014 của Thế giới Di động đã đạt hơn 15.000 tỉ đồng và đang tiến nhanh về cột mốc 1 tỉ USD.

Thành công của Thế giới Di động còn được ghi nhận bởi đây hoàn toàn là công ty tư nhân, không có nguồn gốc từ quá trình cổ phần hóa nhà nước như các quán quân những năm trước. Bên cạnh “hiện tượng” Thế giới Di động, bảng xếp hạng năm nay cũng chứng kiến những dấu ấn nổi bật khác, phản ánh một số xu thế kinh tế đang diễn ra ở Việt Nam.

Tư nhân thắng thế

Những công ty tư nhân như Thế giới Di động luôn mang lại những luồng gió mới, đầy khích lệ cho các bảng xếp hạng công ty của NCĐT qua mỗi năm. Trước đó, năm 2012, tập đoàn tư nhân Vingroup (VIC) và sau đó năm 2014 là Công ty Kỹ thuật Nền móng - Công trình ngầm FECON (FCN), Công ty Đường Ninh Hòa (NHS), Công ty Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (VTF) cũng đều nằm trong “top 10” thứ hạng đầu tiên.

Mặt khác, câu chuyện Thế giới Di động dẫn đầu Top 50 năm nay cũng góp phần minh chứng cho một xu thế thấy rõ. Đó là những doanh nghiệp tư nhân không chỉ hiện diện nhiều hơn trong bảng xếp hạng mà còn giữ những vị trí cao.

Năm 2012, bảng xếp hạng chỉ có 18 công ty tư nhân thì đến năm 2015, con số này đã là 23 công ty. Và nếu nhiều năm trước đó, “vương miện” bảng xếp hạng đều nằm trong tay các doanh nghiệp có gốc nhà nước như Tập đoàn Hà Đô (2012), Công ty CNG Việt Nam (2013, 2014) thì năm 2015 là Thế giới Di động, một công ty cổ phần tư nhân 100%. Ngoài Thế giới Di động, “top 10” năm nay có sự hiện diện của 2 công ty tư nhân là Tập đoàn Vingroup và Công ty Hoàng Huy, trong khi 7 công ty còn lại đều do nhà nước nắm giữ 13-65%. Lúc NCĐT thực hiện khảo năm đầu tiên 2012, chỉ có duy nhất một công ty tư nhân trong “top 10”.

Top 50 Cong ty kinh doanh hieu qua nhat Viet Nam: Xu huong va bai hoc
 

Bốn năm thực hiện bảng khảo sát xếp hạng Top 50 là khoảng thời gian đủ dài để NCĐT nhận thấy rõ chất lượng các công ty tư nhân đang ngày càng được cải thiện qua những con số tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên vốn (ROC). Các công ty tư nhân vẫn trụ vững và gia tăng sự hiện diện trong Top 50 trong 4 năm kinh tế nhiều biến động vừa qua là tín hiệu rất đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam.

Lấy ví dụ ở Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), một công ty hoàn toàn tư nhân đã từng giữ vị trí “top 3” trong bảng xếp hạng trước đây. Ra đời năm 2001, công ty này đã lựa chọn con đường phân phối thiết bị và vật tư y tế độc quyền theo kênh bệnh viện. Trong lúc thị trường y tế Việt Nam mới ở bước đầu khai phá, lợi thế của công ty này là giá cạnh tranh. Tương tự với Công ty FECON. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch công ty này đã lựa chọn nền tảng kinh doanh là tập trung vào sản phẩm nền móng và công trình ngầm, dù khi đó chưa ai làm. Họ thành công cho dù còn khá non trẻ. Với xuất phát điểm thấp và thiếu sự hỗ trợ ưu đãi như các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân đã phải nỗ lực không ngừng học hỏi, cải thiện chất lượng quản trị, liên tục tìm kiếm thị trường và nguồn vốn đầu tư.

Thành công của các công ty tư nhân còn nhờ sự nhanh nhạy, đón đầu xu thế của nền kinh tế. Nhờ cảm nhận được nhu cầu tiêu dùng điện thoại sẽ bùng nổ ở Việt Nam, ông Nguyễn Đức Tài đã biến Thế giới Di động trở thành một trong những nhà bán lẻ và tư vấn tiên phong trong các sản phẩm thiết bị di động tiêu dùng từ khá sớm. Theo thời gian, công ty này đã có giá trị thị trường hiện lên đến hơn 500 triệu USD và trở thành hình mẫu cho nhiều doanh nghiệp khác.

Cũng nhờ sự nhanh nhạy thích nghi với thị trường mà chỉ từ một cửa hàng bán vật liệu nhỏ, ông Lê Phước Vũ đã gầy dựng thành công một Tập đoàn Hoa Sen với doanh thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm và đang vươn ra thị trường thế giới. Đó còn là bản lĩnh đi ra từ thất bại của ông Dương Ngọc Minh, Công ty Thủy sản Hùng Vương, để đạt được vị thế là một trong số những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa lớn nhất Việt Nam hiện nay. Và còn không hiếm các doanh nghiệp tư nhân sở hữu lượng tài sản khổng lồ vẫn chưa niêm yết.

Nhà nước chia sẻ quyền lực

Các công ty tư nhân kinh doanh hiệu quả đang dần lấn át các công ty có nguồn gốc nhà nước trong bảng xếp hạng. Năm 2012, khi lần đầu tiên công bố bảng xếp hạng của NCĐT, có đến 32 công ty cổ phần có Nhà nước là cổ đông lọt vào danh sách này và tiếp tục duy trì ở mức cao trong 2 năm kế tiếp. Nhưng năm nay con số trên chỉ còn 28. Điểm đặc trưng của các doanh nghiệp mạnh trong khối này là hoạt động trong các lĩnh vực cơ bản mà Nhà nước có ưu thế từ khá lâu, như Công ty Hàng hóa Nội Bài (hàng không), Vinamilk (thực phẩm tiêu dùng), Dược Hậu Giang (dược phẩm), PVC (dịch vụ dầu khí), GAS (khí).

Bên cạnh đó, nếu năm 2012, trong “top 10” các doanh nghiệp hiệu quả nhất Việt Nam, số lượng các doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm ưu thế (9/10 công ty) thì 2 năm gần đây, tỉ lệ sở hữu này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 6/7 công ty. Thậm chí, nếu đánh giá về khả năng giữ vững vị thế thì chỉ còn có Vinamilk là giữ được phong độ, khi thuộc “top 5” trong 4 năm liên tiếp.

Vinamilk có thể được xem là một trường hợp điển hình về sự hợp tác hiệu quả giữa nhà đầu tư tư nhân và Nhà nước. Sau khi cổ phần hóa vào năm 2004, dưới sự dẫn dắt của Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên và cộng sự, Vinamilk đã nỗ lực “cởi trói” để chủ động thực hiện các chiến lược phát triển, bắt kịp xu hướng tiêu dùng gia tăng ở Việt Nam cũng như thâm nhập thị trường quốc tế.

Kết quả là từ doanh thu còn khiêm tốn, chỉ 5.638 tỉ đồng năm 2005, 9 năm sau, con số này đã tăng hơn 6 lần, đưa Vinamilk trở thành một trong những doanh nghiệp sữa lớn nhất Đông Nam Á và thế giới. Năm 2014, Vinamilk đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 6.000 tỉ đồng và đã đóng góp tới 30% vào lợi nhuận của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - đơn vị đang giữ 45,08% cổ phần của Vinamilk, và cũng nằm trong “top 10” doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam.

Trái với những lo ngại ban đầu, Nhà nước thật sự đã được hưởng lợi không ít nhờ vào thành công của công ty sau cổ phần hóa. Đây chính là động lực để Nhà nước đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa vốn đang bị chậm lại trong 3 năm gần đây. Một trường hợp điển hình khác chứng minh quá trình chuyển giao tài sản cho khu vực tư nhân hiệu quả là là Công ty Cafe Biên Hòa (VCF). Từ khi tập đoàn thực phẩm tư nhân Masan mua lại 53,2% cổ phần, VCF đã hưởng lợi không nhỏ từ việc tiếp cận thương hiệu lớn, cách quản trị hiện đại, kênh phân phối chuyên nghiệp và lượng khách hàng khổng lồ của Masan. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân 3 năm qua của VCF đạt tới 23,3%, ROE năm 2014 đạt ấn tượng ở mức 30,7%. Trong danh sách Top 50 năm nay, công ty này đã xếp thứ 3 và đồng thời cũng là năm thứ 3 liên tiếp VCF có mặt trong “top 10” công ty dẫn đầu.

Bên cạnh lĩnh vực thực phẩm, thức uống tiêu dùng thì chủ trương cổ phần hóa lĩnh vực dược phẩm cũng cho thấy tính đúng đắn trên thực tế. Nhiều doanh nghiệp dược sau cổ phần đã tăng trưởng khá nhanh, nỗ lực nghiên cứu sáng tạo ra các sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh ngày càng khắt khe của người dùng.

Có thể kể đến Công ty Dược Hậu Giang (DHG). Từ một doanh nghiệp già cỗi, sau quá trình cổ phần hóa, Dược Hậu Giang dường như đã biến thành một thanh niên trẻ trung, dồi dào sức sống dưới sự lãnh đạo tài tình của bà Phạm Thị Việt Nga cùng đội ngũ quản lý. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của Dược Hậu Giang trong 3 năm qua đạt đến 16,2%, ROE trung bình 3 năm đạt 29,6%. Doanh thu 2014 của Công ty đạt 3.913 tỉ đồng, tiếp tục là doanh nghiệp dược phẩm lớn nhất Việt Nam. DHG còn đang lên kế hoạch thâm nhập các thị trường châu Á khác.

Trên TTCK, các cổ phiếu của Vinamilk, VCF, Dược Hậu Giang luôn được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao (khối ngoại sở hữu 49% ở VNM,  DHG và 29% ở VCF), được xem là những tài sản đầu tư hiệu quả dù thị trường biến động không ngừng trong các năm qua. Đó là những bằng chứng sống động để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa hàng trăm doanh nghiệp nhà nước diễn ra nhanh hơn trong năm nay và các năm tới, với khá nhiều thương vụ lớn được kỳ vọng như Mobifone, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, các cảng biển lớn.

Những dấu ấn vừa qua cũng cho thấy  xu thế cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đúng đắn, cũng như tầm vóc và vị thế rất quan trọng của các công ty tư nhân trong sự phát triển kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng, cao su, mía đường chật vật

Là huyết mạch của nền kinh tế, nhưng  năm nay, ngân hàng không có đại diện nào trong Top 50. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trải qua một đợt tái cơ cấu mạnh mẽ để giải quyết vấn đề nợ xấu cũng như sở hữu chéo. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng thấp kéo dài 3 năm qua và mức độ cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt phần nào ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Có vài ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá, tuy nhiên không mạnh bằng các doanh nghiệp ở ngành nghề khác.

Trong năm nay, một loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng dự kiến sẽ là liều thuốc tốt nhất để hệ thống trở nên vững mạnh hơn. Ðồng thời qua đó sẽ hình thành những yêu cầu bắt buộc về việc nâng cao hệ thống quản trị rủi ro, nâng vốn, giảm cơ cấu sở hữu chéo. Chúng tôi mong nhìn thấy ngành ngân hàng sẽ trở lại Top 50 trong năm sau.

Bảng tổng sắp năm nay cũng chứng kiến các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa cơ bản từng một thời làm mưa làm gió trên thị trường như cao su thiên nhiên, mía đường, dầu khí, phân bón bắt đầu chu kỳ đi xuống. Mía đường còn 1 đại diện (Đường Ninh Hòa ở vị trí 44), trong khi cao su thiên nhiên không còn hiện diện trong danh sách. Công ty khí nén CNG từng lập kỷ lục 2 năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Top 50, nhưng vị trí năm nay của CNG chỉ là 16. Công ty khí Việt Nam (GAS) rơi xuống vị trí 19, giảm 2 bậc so với năm trước. Còn Công ty Khí hóa lỏng Miền Nam (PGS) đã rời khỏi bảng xếp hạng năm nay. Việc giá dầu sụt giảm hơn 40% từ năm ngoái thật sự là cú sốc lớn với dầu khí, một ngành mang lợi thế quốc gia. Trong các năm tới, khả năng phục hồi của ngành này vẫn tiếp tục là câu hỏi lớn khi có quá nhiều biến động ở thị trường dầu khí thế giới.

Trụ vững không dễ

Năm 2015 là sự lên ngôi của bán lẻ tiêu dùng với “ngôi vương” Thế giới Di động như đã nói. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là liệu công ty này có giữ được ngôi vị của mình trong thời gian sắp tới? Câu chuyện Công ty Thiết bị Y tế Việt Nhật đã tụt xuống vị trí thứ 45, còn FECON cũng xuống vị trí thứ 30 nhắc nhở sự bất ổn định trong sức bật tăng trưởng của các công ty Việt Nam, cũng như những tác động khách quan mạnh mẽ từ vĩ mô.

Điển hình là chính sách hạn chế tải trọng xe đã mang lại cơ hội lớn cho Công ty Hoàng Huy (phân phối ôtô), nhưng điều này không dễ lặp lại trong tương lai. Bên cạnh đó là các chính sách áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tháng tuổi đã hạn chế khả năng tăng trưởng của các công ty sữa, hay chính sách thắt chặt tín dụng mấy năm qua đã khiến doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, với việc Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và thế giới trong các năm tới, sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn hơn, đặc biệt khi các doanh nghiệp trong nước phải đối đầu với những doanh nghiệp nước ngoài giàu tiềm lực.

Nhìn chung, với những công ty còn non trẻ, việc tăng doanh số là điều dễ dàng. Nhưng đến một lúc nào đó, quy mô trở nên lớn hơn thì doanh số sẽ trở thành bài toán thách thức, thị phần cũng khó mở rộng. Một khi tốc độ tăng trưởng đã chậm lại, thì việc rớt khỏi danh sách là điều có thể nhận thấy. Không chỉ là các công ty tư nhân, các công ty có sở hữu Nhà nước cũng chịu những thách thức giữ vững vị thế tương tự.

Vậy làm thế nào để có thể giữ vững đà tăng trưởng? Chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực để mở rộng quy mô, kiểm soát chi phí theo các công cụ tăng trưởng mang tính xu hướng.

Nguồn: nhipcaudautu.vn

Ví dụ, trong bảng xếp hạng, có những doanh nghiệp đã đảm bảo tăng trưởng thông qua  biện pháp M&A. Ðó là cách nhanh nhất. Nhưng cũng có những doanh nghiệp lựa chọn mở rộng lĩnh vực mới. Chẳng hạn Thế giới Di động hay FECON cũng đang lựa chọn con đường mở rộng doanh số sau khi đặt nền móng vững chắc trong mỗi lĩnh vực cốt lõi của mình. Thế giới Di động đã quyết định lấn sân sang lĩnh vực điện máy kèm theo phát triển kênh bán hàng online, trong khi FECON đi sâu hơn vào mảng hạ tầng, một lĩnh vực rất tiềm năng khi bất động sản và hạ tầng đang phục hồi dần và dự đoán sẽ cải thiện hơn trong các năm tới.

Bảng xếp hạng Top 50 biến động liên tục qua các năm và các công ty muốn giữ vững được vị trí của mình cũng là không hề dễ dàng. Năm 2014, số công ty góp mặt 3 năm liên tiếp là 23. Năm 2015 chỉ còn 14 công ty góp mặt 4 năm liên tiếp. Việc trụ vững như vậy cho thấy định hướng chiến lược phát triển cũng như năng lực quản trị ở các doanh nghiệp này. Ðó là những công ty được ban lãnh đạo dẫn dắt thành công qua nhiều năm và hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.

Top 50 Cong ty kinh doanh hieu qua nhat Viet Nam: Xu huong va bai hoc
Danh sách những công ty đã trụ vững trong Top 50 4 năm qua và có thể sẽ góp mặt vào năm thứ 5 sắp tới

Tăng trưởng bền vững là một mục tiêu mà doanh nghiệp nào cũng muốn hướng đến nhưng ít có doanh nghiệp nào đạt được. Những công ty bền vững được xem là những công ty giữ vững được tốc độ tăng trưởng doanh số và lợi nhuận cao hơn mức trong ngành hoạt động, dù cho điều kiện thị trường có bất lợi.

Nhìn chung, để chứng minh được một doanh nghiệp tốt, cần phải trải qua một giai đoạn đủ dài để kiểm nghiệm. NCĐT trong năm 2016 sẽ đánh dấu 5 năm hoàn thành bảng xếp hạng này. Cột mốc 5 năm của tương lai sẽ là cột mốc lớn và doanh nghiệp nào đạt được cột mốc này có thể tạm coi là những doanh nghiệp bắt đầu chạm vào các mục tiêu phát triển vững bền.

Quay trở lại 14 công ty nói trên, nếu phải bỏ phiếu chọn ra những công ty có thể trụ hạng thành công 5 năm (tính đến bảng xếp hạng của NCĐT năm sau) thì quả thật là bài toán khó. Nhưng đại diện dễ đoán nhất có lẽ là Vinamilk. Vinamilk hiện cũng là công ty duy nhất giữ vững vị trí trong “top 5” công ty trong 4 năm liên tiếp. Các doanh nghiệp khác bao gồm Vingroup, Dược Hậu Giang, Traphaco, Viconship, Vinasun, Nhựa Bình Minh, FPT, REE và Cao su Đà Nẵng cũng có thể là những “ứng viên” sáng giá, khi cũng luôn hiện diện trong suốt 4 kỳ xếp hạng của chúng tôi