Lần đầu tiên, gần 50 nhà sản xuất phần mềm chống mã độc trên toàn thế giới sẽ quy tụ tại Việt Nam để cùng bàn các giải pháp bảo vệ không gian mạng trong sự kiện AVAR 2015 (Hội nghị quốc tế về Phòng chống mã độc) với chủ đề "Kỷ nguyên chiến tranh mạng".
Các chuyên gia bảo mật nhận định, chiến tranh mạng là điều khó tránh khỏi bởi những cuộc tấn công này có chi phí thấp, hiệu quả cao, dễ dàng che giấu nguồn gốc. Trong khi đó, các nước không dễ dàng phát động chiến tranh kiểu truyền thống bởi sẽ vấp phải nhiều rào cản, gây thiệt hại về người và của...
Do mọi hệ thống hiện nay đều được trang bị kết nối Internet, kẻ tấn công sẽ dễ dàng thâm nhập được vào hạ tầng thông tin quốc gia, các hệ thống quân sự, hệ thống điện, giao thông, cấp nước... chỉ bằng việc phát tán virus. Chẳng hạn, vào tháng 6/2010, virus Stuxnet tấn công vào máy tính của nhà máy điện nguyên tử Iran.
|
Chiến tranh mạng - chiến tranh thông tin đã hình thành và không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. |
Ông Triệu Trần Đức, Trưởng ban tổ chức AVAR 2015, cho biết vũ khí của chiến tranh mạng chính là mã độc. Theo nghiên cứu của IDC, thiệt hại do mã độc gây ra tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2014 lên tới 230 tỷ USD. Doanh thu của tội phạm mạng là 1.500 tỷ USD năm ngoái, cao gấp 30 lần so với doanh thu của các hãng bảo mật toàn cầu (50 tỷ USD).
Hiệp hội quốc tế về Phòng chống mã độc toàn cầu được thành lập từ năm 1998 tại Hong Kong với sự tham gia của hơn 200 thành viên là các chuyên gia nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực bảo mật thông tin trên thế giới. Công ty CMC là thành viên Việt Nam duy nhất của Hiệp hội từ năm 2010.