Báo Independent ngày 21.7 dẫn báo cáo Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) do Quỹ kinh tế mới (New Economics Foundation - NEF, có trụ sở tại Anh) công bố cho thấy Việt Nam xếp thứ 5 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Theo báo cáo này, Costa Rica, quốc gia nhỏ bé ở khu vực Mỹ Latinh đứng đầu trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Kế tiếp là Mexico, Colombia, Vanuatu, Việt Nam, Panama, Nicaragua, Bangladesh, Thái Lan và Ecuador.
Ở cuối bảng xếp hạng, các quốc gia được tính là không hạnh phúc nhất gồm: Chad, Luxembourg, Togo, Benin, Mông Cổ, Burundi, Swaziland, Turkmenistan, Bờ Biển Ngà.
Nếu nhìn trên bản đồ mô phỏng bảng xếp hạng này, có thể dễ dàng nhận thấy các nước phát triển không được xếp ở thứ hạng cao trong số các nước hạnh phúc. Trong khi đó, những nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Mỹ Latinh lại được xếp vào tốp các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Saamah Abdallah, một nhà nghiên cứu cao cấp tại NEF cho biết Chỉ số hành tinh hạnh phúc cho thấy con người ta có thể có cuộc sống tốt mà không tác động nhiều tới Trái đất. “Chúng ta có thể học hỏi nhiều hơn từ những nước nhỏ. Thường thì các chính phủ quá coi trọng tăng trưởng kinh tế so với các mối quan tâm khác thì họ sẽ mất đi tầm nhìn về những vấn đề thực sự như cuộc sống bền vững, lâu dài và hạnh phúc cho tất cả mọi người trên thế giới”, nhà nghiên cứu này khẳng định.
Chỉ số này được tính toán dựa trên tương quan 4 yếu tố gồm sự hài lòng của người dân đối với đất nước mình sống, tuổi thọ trung bình của người dân mỗi nước, sự bất bình đẳng thu nhập giữa những người trong mỗi nước, và dấu chân sinh thái. Dấu chân sinh thái là một thước đo tác động người dân ở mỗi nước đối với môi trường.
Việc tính toán sự tương quan này sẽ cho thấy người dân ở các nước khác nhau khi sử dụng các tài nguyên môi trường sẽ thu lại cuộc sống ra sao về tuổi thọ cũng như độ hạnh phúc. Các số liệu về 4 yếu tố trên được NEF tổng hợp từ các báo cáo của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc cũng như các thống kê của mỗi nước.