Thứ hai, 09/08/2021
Doanh nghiệp cao su 'thắng lớn'

(KTSG) - Nhờ giá cao su tự nhiên tăng mạnh trên thị trường thế giới, trong mùa báo cáo tài chính bán niên 2021, ngành cao su là một trong những điểm sáng.

Hưởng lợi lớn từ giá cao su tăng mạnh

Việt Nam được biết đến là quốc gia xuất siêu cao su thiên nhiên và cũng là nước xuất khẩu cao su lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Thái Lan và Indonesia. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lũy kế sáu tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt hơn 714.000 tấn. Trị giá xuất khẩu vào khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 88% so với cùng kỳ năm 2020. Đây được xem là dấu hiệu tích cực đối với ngành cao su trong giai đoạn khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động tiêu cực lên nền kinh tế Việt Nam và thế giới như hiện nay.

Mặc dù giá cao su châu Á trong tháng 6-2021 đã giảm mạnh so với đầu năm do nguồn cung tăng, nhu cầu chậm lại khiến giá mủ cao su nguyên liệu trong nước theo đó cũng giảm theo xu hướng giá thế giới, tuy nhiên, tính chung trong cả quí 2-2021 thì giá cao su vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cần lưu ý là tháng 6 năm ngoái là khoảng thời gian giá cao su thế giới ở mức thấp nhất trong vòng năm năm trở lại đây. Chính điều này đã tạo mức nền thấp giúp thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cho các doanh nghiệp cao su trong quí 2 vừa qua.

Trên cơ sở đó, trong mùa báo cáo tài chính bán niên 2021, ngành cao su là một trong những điểm sáng. Với 101 công ty con, 16 công ty liên kết, tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) đạt kết quả kinh doanh vượt bậc trong ngành. Cụ thể, doanh thu thuần bán niên của GVR đạt hơn 10.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 2.400 tỉ đồng, lần lượt tăng 77% và 182% so với cùng kỳ.

Tuy trong quí 2 lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành này bị giảm nhưng mức giảm lại đến từ hoạt động tài chính và mảng kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính vẫn tăng mạnh, đạt gần 4.500 tỉ đồng, thoát khỏi khoản lỗ gần 2.600 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Các công ty con tiêu biểu trong GVR cũng đạt kết quả kinh doanh tốt trong hai quí đầu năm. Điển hình như Cao su Tân Biên (RTB) đạt hơn 375 tỉ đồng doanh thu và hơn 120 tỉ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 167% và 284% so với cùng kỳ. Cao su Bà Rịa (BRR) cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ba con số với 35 tỉ đồng, tăng 170%.

Nằm trong nhóm các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn trong ngành, Cao su Đồng Phú (DPR) cũng đạt mức tăng trưởng hai con số. Sáu tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của DPR tăng gần gấp rưỡi. Dù vậy, con số thực tế của hai chỉ tiêu trên chỉ mới hoàn thành khoảng 40% kế hoạch doanh thu và một phần tư kế hoạch lợi nhuận năm.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng khi thị trường xuất khẩu thuận lợi, như Cao su Tây Ninh (tăng 53%) hay Cao su Phước Hòa (tăng 48%)... Tính riêng sáu doanh nghiệp cao su đang giao dịch trên sàn chứng khoán, tổng doanh thu đạt 1.660 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đều tăng mạnh so với cùng kỳ, trừ Cao su Phước Hòa giảm do tỷ suất lợi nhuận mảng cho thuê đất khu công nghiệp sụt giảm.

Hướng đến đa dạng hóa nguồn thu

Tính riêng sáu doanh nghiệp cao su đang giao dịch trên sàn chứng khoán, tổng doanh thu đạt 1.660 tỉ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Biên lợi nhuận gộp đều tăng mạnh so với cùng kỳ, trừ Cao su Phước Hòa giảm do tỷ suất lợi nhuận mảng cho thuê đất khu công nghiệp sụt giảm.

Với sự biến động giá mủ toàn cầu trong giai đoạn năm năm qua, giá mủ cao su Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật dao động mạnh, qua đó tác động mạnh mẽ đến lợi nhuận ngành cao su, thu nhập của lực lượng lao động trong ngành và khả năng cạnh tranh vị thế với các ngành nghề khác trong toàn cảnh nền kinh tế.

Chính vì điều này, GVR cũng đã đề ra chiến lược chung cho các đơn vị trực thuộc là phải lập kế hoạch thay đổi mô hình tăng trưởng, tận dụng lợi thế, đa dạng hóa ngành nghề để tạo sức bật cho ngành. Đó là vừa sản xuất cao su lấy mủ, vừa tăng cường công nghệ chế biến mủ cao su, sản xuất xen canh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao chuyên canh trên diện tích cao su và phát triển khu công nghiệp, nâng cao lợi nhuận trên diện tích cao su.

Song song với việc phát triển cây cao su, GVR đã có kế hoạch chuyển đổi diện tích cây cao su già cỗi, kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có sự liên kết, hợp tác tiêu thụ với các doanh nghiệp nước ngoài, phục vụ cho khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả. Tính đến năm 2020, GVR đã phê duyệt thực hiện hai khu nông nghiệp công nghệ cao tại các công ty Phước Hòa, Đồng Phú và 13 dự án nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 4.300 héc ta. Tính đến nay, tập đoàn đã thực hiện được năm dự án, chiếm tỷ lệ hơn 38% tổng số dự án, tương ứng gần 600 héc ta sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, GVR cũng tăng mục tiêu lợi nhuận của toàn ngành sang lĩnh vực phát triển khu công nghiệp. Cụ thể, GVR đang đầu tư vào 11 công ty hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bao gồm tám công ty thành viên đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp là: Bắc Đồng Phú, Dầu Giây, Nam Tân Uyên, An Điền, Tân Bình, Long Khánh, Đầu tư Sài Gòn VRG, khu công nghiệp Cao su Bình Long và ba công ty liên kết. Với 16 dự án, tổng diện tích hơn 6.566 héc ta, nằm tập trung tại các tỉnh/thành TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai, các khu công nghiệp đã và đang có sự đóng góp không nhỏ về doanh thu, lợi nhuận cho GVR.

Ngoài GVR, một số công ty khác cũng ghi nhận các nguồn thu khá đều đặn từ bất động sản khu công nghiệp. Trong đó, Cao su Phước Hòa có thể nhận 691 tỉ đồng bồi thường từ VSIP III trong năm nay, sau khi ghi nhận khoản tiền bồi thường lớn (860 tỉ đồng) trong năm 2020 từ dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2. 


Nguồn: thesaigontimes.vn