
|
Cao su Phước Hòa muốn đầu tư thêm vào hai khu công nghiệp tại Bình Dương và kinh doanh thêm các lĩnh vực phụ trợ |
CTCP Cao su Phước Hòa (mã PHR) vừa công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý I của công ty mẹ với các chỉ tiêu tài chính
tăng trưởng đáng chú ý. Cụ thể, tổng doanh thu công ty mẹ đạt gần 335
tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế thậm chí còn cao
gấp 2,6 lần cùng kỳ, đạt xấp xỉ 172,46 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tham
vọng gần 2.460 tỷ đồng doanh thu và 1.148 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà công ty đặt ra cho năm 2020, Cao su Phước Hòa mới chỉ hoàn thành lần lượt 13,6% và hơn 15% mục tiêu.
Hoạt động kinh doanh chính là mảng khai
thác cao su khởi động khá chậm chạm trong quý đầu năm. Sản lượng cao su
khai thác trong quý 1/2020 là 1.024 tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ và mới
hoàn thành 8,9% kế hoạch năm. Tương tự, sản lượng thu mua và chế biến
cũng lần lượt 35% và 51%. Tổng sản lượng cao su chế biến trong quý I là
4.913 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ, hoàn thành 12,43% kế hoạch cả năm.
Trong khi đó, giai đoạn này, giá cao su
bình quân vẫn đang cao hơn cùng kỳ tới 7,82%, xấp xỉ 34,58 triệu đồng
mỗi tấn. Giá cao su thiên nhiên thường gắn liền với giá cao su nhân tạo
được sản xuất từ lọc hóa dầu. Trong bối cảnh giá dầu giảm sâu trong
tháng 3/2020, giá cao su cũng không tránh khỏi ảnh hưởng nên không dễ để
còn duy trì được mức giá cao như quý I vừa qua.
HĐQT Cao su Phước Hòa dự kiến giá bán
bình quân mỗi tấn cao su trong quý II là 32 triệu đồng. Sản lượng cao su
khai thác, thu mua, chế biến theo chỉ tiêu đề ra cho quý tới đây sẽ đều
cao hơn quý I/2020 với mức sản lượng tương đương 14-20% kế hoạch cả
năm. Tuy nhiên, Cao su Phước Hòa chỉ ước tính sản lượng tiêu thụ ở mức
3.620 tấn mủ khô, thấp hơn quý trước và tương đương 9,15% kế hoạch cả
năm.
Doanh thu kinh doanh mủ cao su quý tới
phấn đấu đạt gần 116 tỷ đồng. Cùng với các mảng kinh doanh khác, tổng
doanh thu công ty mẹ đặt mục tiêu đạt 480 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế
350 tỷ đồng.
Dù vậy, hoạt động kinh doanh sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình
thực tế, nhất là trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay. HĐQT đã
giao tổng giám đốc xây dựng phương án cho từng kịch bản cụ thể để ứng
phó với đại dịch Covid 19.
Một phần nguồn thu chính đóng góp vào
doanh thu của Cao su Phước Hòa năm nay là khoản tiền hỗ trợ đền bù nhận
từ CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên và VSIP liên quan hoạt động chuyển
giao khu công nghiệp. Tiến độ chi trả tiền cụ thể cũng đã được HĐQT giao
tổng giám đốc làm việc với đại diện hai công ty trên.
Ngoài khoản thu đột biến này, doanh nghiệp này cũng đang kinh doanh mảng bất động sản
khu công nghiệp thông qua CTCP Khu công nghiệp Tân Bình - công ty con
do Cao su Phước Hòa sở hữu 80% vốn. Đến cuối năm 2019, 82,88% diện tích
đất thương phẩm đã được các nhà đầu tư thuê để thực hiện dự án.
Công ty dự kiến trình Tập đoàn Công
nghiệp Cao su Việt Nam giao làm nhà đầu tư 2 khu công nghiệp Hội Nghĩa
và Bình Mỹ cũng tại Bình Dương. Đồng thời, để tiếp tục tham gia vào mảng
này theo chiều sâu, Cao su Phước Hòa còn vừa thông qua chủ trương góp
vốn đầu tư và kinh doanh các ngành nghề phục vụ cho các khu công nghiệp
như cấp điện, cấp nước, hạ tầng viễn thông, xử lý chất thải…